image banner 
Chuyên đề: Pháp luật về biên giới quốc gia

Các nội dung chính của chuyên đề:

A. Giới thiệu Luật Biên giới Quốc gia

B. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

C. Quy chế khu vực biên giới đất liền

D. Phạm vi vành đai biến giới, vị trí cắm biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Lào Cai


A. GIỚI THIỆU LUẬT BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Ngày 17/6/2003, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua Luật biên giới quốc gia và có hiệu lực từ 01/01/2004.

Luật Biên giới quốc gia quy định về biên giới quốc gia; chế độ pháp lý về biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới. Chế độ pháp lý, quy chế quản lý và bảo vệ vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam do pháp luật Việt Nam quy định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Luật Biên giới quốc gia gồm 6 chương 41 điều được quy định cụ thể như sau:

I. Chương I. Những quy định chung:

- Điều 14 quy định 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Đây là các quy định cần thiết, để xác định những trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động biên giới quốc gia. Gồm:

1. Xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới;

2. Phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới; phá hoại công trình biên giới;

3. Làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên và lợi ích quốc gia;

4. Qua lại trái phép biên giới quốc gia; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, vũ khí, ma tuý, chất nguy hiểm về cháy, nổ qua biên giới quốc gia; vận chuyển qua biên giới quốc gia văn hoá phẩm độc hại và các loại hàng hoá khác mà Nhà nước cấm nhập khẩu, xuất khẩu;

5. Bay vào khu vực cấm bay; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới quốc gia trên không phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khoẻ của nhân dân, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới;

6. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia.

II. Chương II. Chế độ pháp lý về biên giới quốc gia, khu vực biên giới:

Chương này quy định về các hoạt động đặc thù có liên quan ở khu vực biên giới quốc gia.

III. Chương III. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới: 

Tại khoản 2 Điều 28 Luật Biên giới quốc gia đã quy định Ngày 03 tháng 3 hàng năm là “Ngày biên phòng toàn dân”. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng công trình biên giới, mốc quốc giới để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia[1]. Nhà nước xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia[2].

Chương này đã nêu một nội dung rất quan trọng là xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là nhiệm vụ của Nhà nước và của toàn dân, trước hết là của chính quyền, nhân dân khu vực biên giới và các lực lượng vũ trang nhân dân[3]. Xác định bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật; Nhà nước xây dựng Bộ đội biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ[4].

IV. Chương IV. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia

B. QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ, BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia gồm 03 Chương:

Chương I: Những quy định chung (gồm 4 Điều: từ Điều 1 đến Điều 4)

Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (gồm 10 Điều: từ Điều 5 đến Điều 14)

Chương III: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (gồm 11 Điều: từ Điều 15 đến Điều 25)

Chương IV: Điều khoản thi hành (gồm 3 Điều: từ Điều 26 đến Điều 28)

Một số quy định của Nghị định:

Đối tượng áp dụng:áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định.

Về hình thức xử phạt, nguyên tắc xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả:

- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính sau:a) Cảnh cáo;b) Phạt tiền[5]

- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, thăm dò tài nguyên, khoáng sản, hải sản, môi trường và giấy phép xây dựng, vận tải, kinh doanh từ 06 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và giấy phép hoạt động dịch vụ, thương mại tại cửa khẩu biên giới đất liền từ 03 tháng đến 06 tháng; c) Trục xuất[6].

- Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính nhiều lần trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia được coi là tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính.

- Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định.

Về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:

Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 75.000.000 đồng.Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân (trừ một số hành vi); Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

C. QUY CHẾ KHU VỰC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN

Ngày 29/4/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam.

Khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết gọn là khu vực biên giới đất liền) bao gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với đường biên giới quốc gia trên đất liền. Danh sách xã, phường, thị trấn khu vực biên giới đất liền có Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định. Theo đó, Lào Cai có 25 xã,phường,thị trấn/5 huyện, thành phố khu vực biên giới đất liền[7]. Huyện Bát Xát có 09 xã khu vực biên giới: Xã Quang Kim, xã Bản Qua, xã Bản Vược, xã Cốc Mỳ, xã Trịnh Tường, xã Nậm Chạc, xã A Mú Sung, xã A Lù, , xã Ý Tý

Điều 4 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP quy định 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền:

1. Làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, công trình biên giới.

2. Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, ô nhiễm môi trường của sông, suối biên giới.

3. Cư trú, khai thác lâm thổ sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, thủy sản trái phép.

4. Vượt biên giới làm ruộng, rẫy, săn bắn, chăn thả gia súc.

5. Chôn cất, chuyển dịch mồ mả, vận chuyển thi thể, hài cốt, động vật, thực vật và xác động vật qua biên giới không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

6. Bắn súng qua biên giới, gây nổ, chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới.

7. Quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đo, vẽ cảnh vật ở những nơi có biển cấm trong khu vực biên giới đất liền.

8. Các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.

9. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.

D. PHẠM VI VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI, VỊ TRÍ CẮM BIỂN BÁO KHU VỰC BIÊN GIỚI, VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN TỈNH LÀO CAI

Việc xác định phạm vi vành đai biến giới, vị trí cắm biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Lào Cai được quy định tại Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai.

Điều 1 Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND xác định phạm vi vành đai biên giới trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Lào Cai có chiều sâu tính từ đường biên giới trở vào nội địa đoạn xa nhất là 400m, đoạn gần nhất là 100m, cụ thể:

- Phạm vi vành đai biên giới có chiều sâu 400m (tính từ đường biên giới), gồm các xã, thị trấn: Tả Ngài Chồ, Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương); Nàn Sán, thị trấn Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai).

- Phạm vi vành đai biên giới có chiều sâu 300m (tính từ đường biên giới), gồm các xã, thị trấn: Y Tý, A Lù (huyện Bát Xát); Lùng Vai, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương).

- Phạm vi vành đai biên giới có chiều sâu 200m (tính từ đường biên giới), gồm các xã, thị trấn: A Mú Sung, Nậm Chạc, Trịnh Tường, Cốc Mỳ, Bản Vược, Bản Qua, Quang Kim, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát); Sán Chải (huyện Si Ma Cai).

- Phạm vi vành đai biên giới có chiều sâu 100m (tính từ đường biên giới) gồm các xã, phường: Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng); Bản Lầu (huyện Mường Khương); các phường Lào Cai, Cốc Lếu, Duyên Hải (thành phố Lào Cai).

Điều 2 Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND quy định số lượng, vị trí cắm biển báo khu vực biên giới, vành đai biên giới trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Lào Cai và kinh phí thực hiện.

- Biển báo “KHU VỰC BIÊN GIỚI” được cắm tại 50 vị trí để xác định khu vực biên giới trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Lào Cai (chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND).

- Biển báo “VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI” được cắm tại 82 vị trí để xác định phạm vi vành đai biên giới trên tuyến biên giới đất liền tỉnh Lào Cai (chi tiết tại Phụ lục số 02 kèm theo Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND).

Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XV, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 04/12/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021./.



[1]Điều 27 Luật Biên giới quốc gia

[2]Khoản 1 Điều 28 Luật Biên giới quốc gia

[3]Khoản 1 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia

[4]Khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia

[5]Khoản 1 Điều 3 Nghị định

[6]Khoản 2 Điều 3Nghị định

[7]Huyện Si Ma Cai: Xã Sán Chải, Xã Si Ma Cai, Xã Nàn Sán. Huyện Mường Khương: Xã Tả Gia Khâu, xã Dìn Chin, xã Pha Long, xã Tả Ngải Chồ, xã Tung Trung Phố, thị trấn Mường Khương, xã Nậm Chảy, xã Lùng Vai, xã Bản Lầu; Huyện Bảo Thắng: Xã Bản Phiệt. Huyện Bát Xát: Xã Quang Kim, xã Bản Qua, xã Bản Vược, xã Cốc Mỳ, xã Trịnh Tường, xã Nậm Chạc, xã A Mú Sung, xã A Lù, xã Ngải Thầu, xã Ý Tý; Thành phố Lào Cai: phường Lào Cai, phường Duyên Hải, xã Đồng Tuyển.

Hồng Nhung
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập